Võ sư ẩn tích và nỗi niềm “quyền An Thái”

Võ sư Lâm Ngc Phú biu din thế “Kim kê đot mc”

TPCN - Hàng ngày, ông bốc rạ, phơi rơm như một lão nông thực thụ. Ít ai biết rằng, ông là một “pho lịch sử sống” những chặng đường thăng trầm của võ cổ truyền Tây Sơn. Chỉ những bậc cao niên ở làng An Thái (huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) mới biết ông đã từng là một “cao thủ võ lâm” từng nức tiếng trên các võ đài từ Nam chí Bắc...   

“Đại chưởng môn” Bình Sơn võ quán

Trưa tháng 4, nắng gay gắt như càng làm con đường ngoằn ngoèo về làng An Thái miền đất võ Tây Sơn dài thêm. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về lão võ sư Lâm Ngọc Phú cách đây 7 năm. Hồi đó, tôi đang theo học một lớp võ Thiếu Lâm ở Huế, nghe kể rằng có một chàng thanh niên người Ninh Bình đã vô cùng gian nan, vất vả mới tìm được thầy Phú để được thầy “thâu nạp” làm đệ tử.

Chàng thanh niên đó nghe nói giờ đây đang là một võ sư nổi tiếng ở Tây Nguyên. Bây giờ ngẫm lại, quả thật tìm được thầy Phú không dễ chút nào. Căn nhà nhỏ nằm ở cuối thôn An Thái tĩnh mịch, khác xa sự tưởng tượng của tôi về một võ đường uy nghiêm hoặc chí ít thì cũng là “ngôi nhà” khang trang để xứng danh với lão võ sư đã từng là “Đại chưởng môn” Bình Sơn – một võ quán lừng danh trước năm 1975 ở  đất võ Bình Định. 

Giữa mùa gặt nên thầy Bảy Phú – người dân làng An Thái thường gọi ông như vậy, đang phơi lúa như một lão nông thực thụ.

Lão võ sư Lâm Ngọc Phú đạt bằng võ sư danh dự năm 1971, lấy bằng võ sư chính thức do Tổng cục Quyền thuật Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa) cấp năm 1974, văn bằng diploma do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cấp năm 1999.

Ông từng giành được Huy chương vàng trong cuộc thi Võ cổ truyền toàn quốc năm 1991, được Liên đoàn Võ thuật Việt Nam tặng bằng khen vì những thành tích đóng góp cho Võ cổ truyền Việt Nam cùng nhiều huy chương, phần thưởng cao quý khác...”.

Mái tóc bạc phơ, dáng người  đen sạm, chắc nịch dưới nắng trưa chang chang, thầy ngước đôi mắt vẫn còn rất tinh anh nhìn tôi, thủng thẳng: “Lâu rồi không có ai ghé thăm, cậu là người khách lạ đầu tiên của năm nay ! Hồi trước còn kẻ ra người vào, bây giờ thì lão đây được yên tĩnh cái thân già này rồi. Tiện bữa, mời cậu dùng cơm”. Bữa cơm trưa tại nhà võ sư Lâm Ngọc Phú có lẽ là một trong những bữa ăn đặc biệt và đầm ấm trong những tháng ngày thường phải đi ăn cơm thiên hạ của tôi! Người ngồi đối diện, vừa trò chuyện, vừa gắp thức ăn cho tôi chính là “Đại chưởng môn” Bình Sơn võ quán danh nổi như cồn ở xứ Bình Định trước năm 1975. Chén rượu Bàu Đá nóng ran người làm những hồi tưởng của ông như một thước phim quay chậm...

“Năm tôi 20 tuổi thì Bình Sơn võ quán xảy ra biến lớn. Một võ sư người Tàu tên là Diệp Trường Phát, với biệt hiệu Sáu Tàu đã đến Bình Sơn thách đấu với cha tôi – võ sư Lâm Đình Thọ.

Vị võ sư này xuất thân từ môn phái Thiếu Lâm Vịnh xuân quyền. Trận quyết đấu bất phân thắng bại, nhưng kể từ đó, một số môn đệ của cha tôi đã bắt đầu nghiêng sang học Thiếu Lâm ở lò võ Quách Cang của ông Diệp Trường Phát.

Cha tôi và ông ta sau đó trở thành bạn tâm giao, nhưng tôi thì không chịu được. Tôi không muốn bất kỳ một môn phái nào được đứng vững trên trấn Bình Định ngoài Bình Sơn võ quán. Vẫn biết rằng Thiếu Lâm là danh môn chính phái, quốc võ của Trung Hoa, nhưng hồi đó tôi còn trẻ, không thích là vẫn gây sự”.

Với những suy nghĩ của mình, chàng thanh niên Bảy Phú đã thách đấu với đại sư Diệp Trường Phát và đương nhiên là anh thua cuộc. Nhưng cũng sau lần đó, chàng ta ngộ ra được nhiều điều và nhận thấy bể học quả thật mênh mông, núi này cao, ắt có núi khác cao hơn. Bảy Phú bái Diệp Trường Phát làm sư phụ với quyết tâm kế thừa và hợp nhất những tinh túy võ học của Bình Sơn và Thiếu Lâm. Về phần sư phụ Sáu Tàu, ông cũng chú tâm truyền thụ tất cả các tuyệt kỹ Thiếu Lâm cho người đệ tử mà ông yêu quý nhất.

Theo thời gian, cùng những lần thượng đài nảy lửa, Bảy Phú đã tự mình sáng chế ra những chiêu thức từ việc kết hợp hai võ phái Bình Sơn và Thiếu Lâm với nhau...  Những lần thượng đài bách chiến bách thắng của chàng trai trẻ Bảy Phú không thể qua mắt được các cao thủ đến từ khắp nơi, và Ba Hổ là một trong những số đó.

Năm 1961 có lẽ là lần thượng đài vang dội nhất ở trấn Bình Định giữa tay lính Cộng Hòa Ba Hổ và Bảy Phú. Nghe nói Ba Hổ là một võ sĩ thuộc phái Thanh Lâm, người Miên, nặng trên 80 cân, cao lớn, dữ dằn. Ba Hổ nổi danh bởi nhiều cao thủ đã bỏ mạng khi hắn ra chiêu thức quái gở, với những cú đấm nặng như búa tạ. Bảy Phú lim dim nhớ lại trận đấu ác liệt: “Hiệp 1 tôi chỉ toàn chống đỡ những quả đấm như trời giáng của hắn, mà nếu như tình thế kéo dài thì chắc chắn mình sẽ bất lợi vì hắn rất khỏe.

Sang hiệp hai, tôi quan sát thấy mỗi khi nó tung chân đá thì bộ thủ rất chắc nhưng lại hở vùng ngực và cổ, ngay lập tức, khi nó ra cú đá quyết định, tôi dùng thế “Mạnh Lượng đạt mã, đạt mã phá thành” tung người, kẹp cổ quật hắn vào góc. Chỉ cần chừng đó thôi, số phận của hắn được định đoạt. Đó là trận chiến ác liệt nhất đời tôi...

Năm 1971, lúc này ông 37 tuổi, đã là “chưởng môn” đời thứ nhất Bình Sơn võ quán, nhận bằng võ sư do quận An Nhơn (cũ) cấp ngày 30/5/1971. Từ năm 1971 – 1985 là thời kỳ hoàng kim của võ quán Bình Sơn, với nhiều lớp đệ tử vang danh dưới sự chỉ bảo của sư phụ Lâm Ngọc Phú. Sau đó, cơn lốc thị trường và cuộc chiến cơm áo đời thường khiến võ sinh dần dần bỏ cuộc. Các võ quán nhỏ khác như Quách Cang, Hải Sơn, Bình Phú... đều phải đóng cửa. Duy nhất Bình Sơn vẫn trụ lại được nhưng càng ngày càng lay lắt... Quyền An Thái sẽ bị thất truyền ?

Lão võ sư Lâm Ngọc Phú kể rằng sở dĩ dân gian truyền miệng câu “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” là xuất phát từ việc cha ông, võ sư Lâm Đình Thọ sở hữu bài quyền Lâm gia được giới võ thuật thời bấy giờ mệnh danh “Quyền An Thái ngã vô song” (không có bài thứ 2).

Còn ở làng Thuận Truyền, võ sư Hồ Ngạnh cũng vang danh với bài roi kỳ ảo mà cho đến nay đã thất truyền. Thế nên, làng võ Tây Sơn mới có câu “Roi Thuận Truyền di hữu chủ” (chỉ truyền một chủ).

Bài quyền Lâm gia được Bảy Phú giữ gìn như một báu vật, ông vẫn chưa truyền lại cho bất kỳ ai, bởi người đủ sức lĩnh hội hết những tinh hoa trong bài quyền thuật và bài Thập bát binh khí này vẫn chưa xuất hiện.

Ông buồn rầu: “Con trai cả của tôi là võ sư Lâm Ngọc Ánh, người duy nhất đã học hết 8 phần trong bài quyền Lâm gia, nhưng võ đường của nó hiện nay cũng hiu hắt lắm. Lớp trẻ chỉ đến tập mùa hè, càng ngày càng thưa dần. Mà chúng cũng quan niệm học võ cũng chẳng để làm gì, mấy khi làng xã có lễ hội, mượn người của võ đường ra múa may một chút rồi thôi. Nó cũng phải làm ăn để nuôi vợ con. Tôi biết, nó đam mê lắm nhưng đành chịu...”.

Bữa cơm trong nhà thầy Phú tạm dang dở vì trời mưa, tôi phải cùng ông hấp tấp ra dọn lúa. Trong cơn mưa sớm đầu hè, bóng vị đại võ sư còng xuống theo dòng thời gian. Tôi biết, dù đã không màng đến thế sự, cuộc đời, nhưng tận sâu thẳm tâm hồn vẫn đau đáu trước một tương lai rồi đây miền đất thượng võ An Thái chỉ còn ký ức của một mình ông...

Diễn thế Kim kê đoạt mục cho tôi xem, ông giảng giải: Thế này chỉ được phép dùng trong những tình huống tối kỵ. Vì đây là chiêu thức lấy mắt người ta.

Trong đạo học võ, lấy mắt còn độc hơn lấy mạng. Vì vậy, người theo nghiệp võ càng ngày càng hiếm và quyền An Thái có thể thất truyền cũng bởi lớp đệ tử ngày nay ít người hội tụ đủ cả chữ Tài lẫn chữ Tâm. Vâng! Có lẽ không chỉ học võ mà làm cái gì cũng vậy, chỉ tài thôi chưa đủ...

Nam Cường

Võ cổ truyền Bình Định

 

         

                  bài võ Mai Thanh Tuâ'n

 

Nếu đến thăm đất Qui Nhơn quê hương của người anh hùng áo vải Tây Sơn - Nguyễn Huệ, bạn sẽ có dịp được thưởng thức những buổi biểu diễn của môn phái võ cổ truyền Bình Định (CTBĐ) với những động tác uyển chuyển, nhanh nhẹn, nhưng cũng đầy khí chất dũng mãnh, quật cường của các bài quyền, bài binh khí, đặc biệt là bài quyền Ngọc Trản, bài roi (côn) Thái Sơn nổi tiếng đã đi vào lịch sử với câu ca dao:

 

Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền"


Võ Bình Định phát triển sâu rộng trong quần chúng không chỉ có "nam nhi" mà cả "phái yếu" cũng luyện rèn võ nghệ và đã có sức thu hút mãnh liệt, trở thành món ăn tinh thần của người dân Bình Định. Đặc biệt khi có hoạ ngoại xâm thì lập tức mọi người tập luyện võ nghệ để chiến đấu chống quân thù. Rõ nét nhất là trong thời Tây Sơn và trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp xâm lược, võ CTBĐ không những rèn luyện thể lực, tính dũng cảm cho quân đội và nhân dân, mà còn được áp dụng khá thành công vào binh pháp, vào phép dùng binh, vào sách lược, chiến lược quân sự, nhất là trong cách đánh cận chiến.

Để nghiên cứu làm rõ nguồn gốc và đặc trưng của võ CTBĐ, một đề tài khoa học đã được Sở Thể dục - Thể thao Bình Định tiến hành từ hơn 2 năm nay nhằm sưu tầm, thu thập những thông tin, tư liệu qua những người thật, việc thật, qua các địa danh, chứng tích của các hoạt động võ nghệ ở nhiều giai đoạn lịch sử rồi từ đó tổng hợp, phân tích, minh chứng cho một câu hỏi: Võ CTBĐ có đặc điểm khác biệt nào so với các dòng võ khác?



Nguồn gốc võ CTBĐ

Từ thế kỷ XV trở đi, cùng với việc tiến về phía Nam của người Việt cổ, nhiều dòng họ đã đến Bình Định khai hoang, lập ấp. Các cư dân đã tiếp nhận và thích nghi với nhiều yếu tố của nền văn hoá địa phương, tạo nên tư chất và cốt cách của con người ở vùng đất mới Bình Định, nơi hội tụ, kế thừa truyền thống thượng võ của dân tộc.

Người Bình Định vừa có phẩm chất cao quí của cư dân vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ, Bắc Bộ với các đức tính: mộc mạc, cần cù, giản dị, sáng tạo, nhân ái, kiên cường, dũng cảm, vừa mang sắc thái của địa phương: tính khảng khái, hào hiệp, tinh thần thượng võ. Theo Đại Nam nhất thống chí: Người Bình Định tính tình trầm, gan dạ, thích làm việc nghĩa. Người học thức phần nhiều nho nhã, trung hậu. Đồ mặc, đồ dùng giản dị, mộc mạc, không ưa văn hoa. Ngày rảnh việc hay bày hát tuồng, múa võ.

Bình Định luôn gợi trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam niềm cảm tình sâu sắc về một vùng đất thượng võ lâu đời, với hồn thiêng sông núi đã hun đúc nên khí chất anh hùng bất khuất, làm nên bao sự tích oanh liệt, góp phần tô thắm vào trang sử vàng dân tộc.


Quá trình hình thành và phát triển

Dựa vào điều kiện lịch sử, căn cứ vào các tiêu chí: mức độ qui mô phát triển võ, trình độ võ nghệ, tính chất giai cấp, mục tiêu phục vụ của võ nghệ trong từng giai đoạn, đề tài lấy mốc thời Tây Sơn làm trung tâm vì đây là thời điểm đỉnh của võ CTBĐ.

Trước thời Tây Sơn (từ khoảng năm 1600), võ CTBĐ còn ở dạng sơ khai, hình thành chủ yếu dựa trên các thao tác lao động và sử dụng công cụ lao động hàng ngày .

Đến thời Tây Sơn, bắt đầu có sự giao lưu, hoà nhập giữa các dòng võ và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng. Võ CTBĐ thời Tây Sơn được sử sách ghi nhận là thời kỳ hưng thịnh và phát triển rực rỡ nhất, được xây dựng thành hệ thống võ học, được đưa vào hệ thống thi cử, đào tạo tướng sĩ, được nghiên cứu và áp dụng triệt để, sáng tạo trong quân sự, trong chiến đấu, phục vụ chiến trường và khuyến khích mở trường dạy võ khắp nơi.

Võ CTBĐ thời Tây Sơn là sự kết tinh và hoà quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau (của người bản địa, võ từ Bắc hà vào v.v.) tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh tuý nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng võ học chân truyền của dân tộc.

Sau thời Tây Sơn, mặc dù khi lên ngôi, Nguyễn ánh đã tiêu diệt mọi thành quả của nhà Tây Sơn nhưng võ CTBĐ vẫn có khả năng tiềm ẩn và sức sống mãnh liệt, "võ vườn" vẫn được bí mật truyền dạy trong các nhà chùa hoặc các bìa rừng, vẫn được nhiều người tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm, viết sách lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Đến nửa đầu thế kỷ XIX, các dòng võ nước ngoài, chủ yếu là võ Thiếu Lâm (Trung Hoa) và nhiều môn võ như quyền Anh, Judo, Karatedo, Teakwondo... đã phát triển khá mạnh ở Bình Định nhưng vẫn không thể lấn át được võ CTBĐ bởi vẫn giữ được những đặc điểm độc đáo của nó.


Đặc điểm độc đáo của võ CTBĐ

Về khía cạnh võ thuật, võ CTBĐ thể hiện rõ tính liên hoàn, tinh tế, uyên thâm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, giữa công và thủ, giữa mạnh và yếu, giữa bên trong (tinh, khí, thần) với bên ngoài cơ thể (thủ, nhãn, chỉ và thân).

Về võ lý, võ CTBĐ vận dụng triệt để học thuyết âm - dương, lấy phép ngũ hành và phép bát quái làm nguyên lý cơ bản của "Song thủ ngũ hành vi bản", "Lưỡng túc bát bộ vi căn" là cơ sở võ lý cho luyện tập bộ tay và bộ chân trong võ CTBĐ: Tấn pháp trong bát quái và Thủ pháp trong Ngũ hành, có sự phối hợp cả hai phương diện ngoại công và nội công.

Về võ đạo, còn gọi là cái đạo của người học võ. Ngoài những đức tính mà con người đề cao trong rèn luyện đạo đức là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, võ đạo còn thể hiện ở các mặt truyền thống: thượng võ, chống ngoại xâm; uống nước nhớ nguồn; trọng nhân nghĩa...

Về nội dung, võ CTBĐ vô cùng phong phú, đa dạng nhưng tựu trung có 4 nội dung cơ bản là: luyện công, quyền thuật, võ với binh khí, luyện tinh thần. Quyền còn gọi là thảo bộ hay quyền tay không, bao gồm Cương quyền và Nhu quyền. Võ tay không chia thành 4 nhóm: Võ thể dục, võ tự vệ, võ tỷ thí và võ chiến đấu. Binh khí được dùng trong võ CTBĐ bao gồm binh khí dài và binh khí ngắn. Loại binh khí rất cơ bản được lưu hành khá phổ biến ở Bình Định là côn (tiếng địa phương gọi là roi) với nhiều "phách roi" độc đáo chỉ có ở võ CTBĐ: "Đâm so đũa", "Đá văn roi", "Phá vây", "Roi đánh nghịch"... Nói về tận dụng vũ khí thô sơ chống giặc, Bình Định có "Bài kiếm 12" nổi tiếng gồm 12 động tác được rút tỉa trong nhiều bài kiếm tiêu biểu của Bình Định để hình thành một cách ngắn gọn, dễ tập, dễ nhớ, được đưa vào luyện tập và thực hành chiến đấu đạt hiệu quả cao trong các lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở địa phương.

Trong các bộ môn về quyền thuật, "Ngọc Trản" là bài quyền tiêu biểu của võ CTBĐ, trải qua thời gian, nó vẫn sáng chói như một "chén ngọc" với những bí quyết võ công vô giá. Để thực hành được một cách nhuần nhuyễn, phải tính đến công sức luyện tập cả về thể chất và ý thức nhằm tạo được sự thống nhất thành một ý niệm duy nhất, như tính thuần khiết của viên ngọc. Đó chính là bí quyết khổ luyện của lối quyền âm - dương trong Ngọc Trản công.

(Sưu tầm)

Sông Kôn mùa võ

Tháng tám sắp tới, tâm điểm du lịch chắc chắn sẽ hướng về Bình Định, nơi đăng cai tổ chức Festival quốc tế võ cổ truyền VN lần đầu tiên, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 7-8, nhằm tôn vinh sức mạnh dân tộc nhưng cũng sẽ hứa hẹn là một cú hích đánh thức hoạt động du lịch vốn trầm buồn của miền đất võ.

 

 

Lão võ sư Phan Thọ và các đệ tử. 

Võ thuật chắc chắn là một trong những yếu tố hấp dẫn du khách đến Bình Định bởi “di sản” lịch sử - văn hóa đặc thù này khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác tại VN. Đến Bình Định mà không tham quan Bảo tàng Quang Trung, nơi lưu giữ hàng ngàn hiện vật có liên quan đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn; không được dịp thưởng thức nhạc võ; không ghé thăm các làng , không gặp những lão võ sư ở đó thì kể như chưa tới miền địa linh nhân kiệt này!

Xin mời bạn xuôi dòng sông Kôn, con sông huyết mạch của Bình Định, để bắt đầu một tour chuyên đề võ. Những điểm đến này ở gần thành phố Quy Nhơn, nơi xa nhất cũng chỉ khoảng trên 40km.

Võ sư Lý Xuân Hỷ với bài quyền “Mèo rửa mặt”.

Bảo tàng Quang Trung nằm ở khúc đầu sông Kôn, được xây dựng ngay trên nền vườn nhà cũ của ba thủ lĩnh phong trào Tây Sơn (1771-1788). Tại đây trưng bày khoảng trên 11.000 hiện vật có liên quan đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và vị anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nếu có nhu cầu, bạn còn được xem các võ sĩ biểu diễn 18 môn binh khí Tây Sơn hòa trong tiếng trống trận hùng hồn của tay trống nữ kỳ cựu 46 tuổi Nguyễn Thị Thuận đánh như lướt trên bộ trống 12 chiếc; giúp bạn cảm nhận phần nào hào khí một thời của đội quân bách chiến bách thắng.

 

Nằm phía trước bảo tàng là di tích bến Trường Trầu, nơi ngày xưa anh Hai Trầu (biệt danh của Nguyễn Nhạc) khởi đầu và kết thúc những chuyến đi buôn trầu quanh vùng. Từ đây, xuôi theo dòng sông Kôn vài giờ bạn sẽ cập bến An Thái, tương truyền là nơi ngày xưa ba anh em nhà Tây Sơn đến học võ, nền tảng để sau đó họ xây dựng nên các đội quân tinh nhuệ của mình. Trong tiểu thuyết Sông Kôn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, An Thái hiện lên như một làng quê hiền hòa, trù phú, nơi chứng kiến mối tình cảm động giữa Nguyễn Huệ và con gái thầy võ của mình.

Đây cũng là nơi vào rằm tháng bảy âm lịch hằng năm diễn ra lễ hội Đổ Giàn, dịp để võ sinh các làng võ so tài cao thấp. Vào những năm đầu thế kỷ 20, An Thái đón nhận một võ sư môn phái Thiếu Lâm là ông Diệp Trường Phát, người Hoa, đến dạy võ. Từ đó nơi này trở thành một trung tâm võ thuật kết hợp tinh hoa võ Việt và Trung Hoa. Một trong những truyền nhân sau cùng của trung tâm võ này là võ sư Lâm Ngọc Phú năm nay 73 tuổi, chưởng môn võ đường Bình Sơn, lớn nhất tại An Thái hiện nay.

“Trai An Thái, gái An Vinh”. Từ bến An Thái nhìn qua bên kia sông là làng An Vinh, được cho là nơi xuất xứ câu ca dao nổi tiếng Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định múa roi đi quyền. Tương truyền cô con gái một võ sư nổi danh làng này rất giỏi võ, đã 22 tuổi vẫn chưa lấy chồng. Lão võ sư “kén rể” bằng lời thách thanh niên nào hạ được cô sẽ trở thành rể của ông. Vậy mà không ai địch nổi. Hiện nay, An Vinh vẫn còn một số lò võ thu hút nhiều môn sinh theo học, trong đó nổi tiếng nhất là lò của lão võ sư Trần Dần.

 

Võ sư Trương Văn Vịnh với bài quyền “Ngọc trản thần công”. 

 

Tour “chuyên đề” võ sẽ thiếu sót nếu không ghé thăm võ sư Phan Thọ, 82 tuổi, ở thôn 2, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, người tinh thông cả 18 ban võ Tây Sơn và có thể được xem như một kỳ lão trong làng võ Bình Định. Không được may mắn như những đồng môn khác, mãi đến năm 17 tuổi ông mới bắt đầu học võ.

Học chưa hết bí kíp của thầy này thì thầy mất, ông phải đến thọ giáo thầy khác. Cứ như vậy đến năm 35 tuổi ông vẫn còn đi học. Sự tinh thông cả 18 ban võ nghệ Tây Sơn nơi ông là kết quả của 18 năm học võ đầy khổ luyện. Đến thăm, bạn còn được xem đứa cháu ngoại 15 tuổi của ông biểu diễn “Hùng kê quyền”, bài võ nổi tiếng mô phỏng theo thế đánh của gà do Nguyễn Lữ sáng tạo.

Bình Định hiện còn khoảng 15 lão võ sư như Phan Thọ, những người được coi là “báu vật sống” về võ thuật. Như võ sư Trương Văn Vịnh, 72 tuổi, chưởng môn võ đường Phi Long Vịnh ở thôn Kỳ Sơn, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, người đánh có “thần” nhất bài quyền “Ngọc trản thần công” được cho là do Quang Trung sáng tạo và là bài nằm lòng của tất cả võ sinh ở các võ đường Bình Định; hay võ sư Lý Xuân Hỷ, 66 tuổi, ở thôn Tây Phương Danh, Đập Đá, huyện An Nhơn, người “thủ đắc” tuyệt kỹ của họ Lý là bài quyền “Miêu tẩy diện” (mèo rửa mặt) mô phỏng theo thế đánh nhu nhuyễn, linh hoạt của mèo...

Tháng tám về sông Kôn để sống lại với một thời không thể nào quên trong lịch sử của miền đất võ.

. Theo TTO

Nơi trao truyền niềm say mê và tinh thần thượng võ

Võ sư Hồ Sừng, cháu nội võ sư Hồ Nhu, đang biểu diễn bài roi gia truyền. Ảnh: V.T

Bình Định là một trong những cái nôi của nền võ học chân truyền Việt Nam. Ngoài các làng võ, những dòng họ võ cũng là biểu hiện sống động của truyền thống thẳm sâu của miền đất võ.

Một dòng họ võ “Tứ đại đồng đường”

Đó là họ Trương ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước). Dòng họ này, hầu như chẳng ai là không biết võ, ngay như đàn bà con gái cũng được truyền cho vài thế võ gọi là để phòng thân. Còn lớp anh em võ sư Trương Cần (cha võ sư Trương Văn Vịnh, thường gọi là Phi Long Vịnh), đều thuộc hàng cao thủ. Một là Trương Xuân Ba, biệt danh là Sáu Hòa, từng ẵm cúp đồng đen Đông Dương, người nữa là Trương Hoàng, biệt hiệu Ba Chăm, một trong những người thầy của hùm xám miền Trung Hà Trọng Sơn. Hiện nay, những bí kíp của dòng họ Trương được truyền lại cho võ sư Trương Văn Vịnh, con trưởng của võ sư Trương Cần.

Lên 8 tuổi, Trương Văn Vịnh đã được cha trao truyền những đường quyền cơ bản. Được vài năm, ông lại được cha gửi đến thọ giáo hai người bác ruột. Theo học võ sư Trương Xuân Ba được mấy năm, Vịnh tiếp tục thọ giáo võ sư Ba Chăm. 10 tuổi, ông đã đi gọn bài Lão hổ thượng sơn và cả bài Tứ linh đao cực khó. Đường đao phủ kín bốn mặt, vùn vụt, bóng loáng, oai hùng. 18 tuổi ông đã bắt đầu thượng đài và cả thời trai trẻ của ông gắn liền với những trận so găng khắp Trung, Nam. Cái làm nên tên tuổi của võ đường Phi Long Vịnh danh trấn miền Trung chính là tuyệt chiêu “phi long”. Đòn này phải vừa đánh tới, lại vừa trả bài phóng hậu, rồi chân sau bay lên, dập luôn trên không, đánh phủ đầu vào bộ não. Võ sư nào cũng phải bái phục cái đòn bay thượng thặng ấy. Năm 1970, trong chương trình biểu diễn võ thuật và thi đấu với các võ sư khét tiếng trong và ngoài nước lúc bấy giờ, võ sư Vịnh đã thi triển đòn đánh trên không biến ảo này, nên người ta dùng tên đòn mà đặt cho môn phái của dòng họ ông là “Phi Long”.

Điều thú vị là mọi tinh túy của võ thuật cổ truyền mà võ sư Vịnh thọ giáo từ các bậc cha chú nay lại được ông trao truyền cho các con trai, rồi cháu nội mình. Trương Trọng Hải, người con trai thứ ba của ông, 50 lần thượng đài thì chỉ thắng hoặc hòa chứ chưa hề biết đến thất bại. Trương Trọng Hùng, người con trai thứ tám mới 32 tuổi cũng đã có hơn 40 lần thượng đài... Còn khi tôi đến thăm gia đình, đứa cháu ngoại của võ sư là Nguyễn Hoàng Vũ mới ở tuổi chơi, nhưng đã biểu diễn được những bài quyền khá đẹp mắt.

Tại làng võ An Thái, chúng tôi tìm đến lò võ của võ sư Lâm Ngọc Phú. Ông nội của võ sư đã là người học võ, đến ông thân là cụ Lâm Đình Thọ (tức Hương Kiểm Lài), đã kết hợp hai nguồn võ Tàu, võ ta và lấy tên là Bình Sơn (võ Bình Định- Tây Sơn). Tiếp nối võ sư Phú, những người con của ông là Lâm Ngọc Oanh, Lâm Ngọc Ánh cũng đã gặt hái những thành tích bước đầu trên con đường võ học. Ngay cả cháu nội, cháu ngoại mới hơn chục tuổi, cũng được ông học thêm về võ. “Tui chỉ dạy để truyền thống võ nghệ gia đình không mất, cũng là để rèn sức khỏe, hộ thân, còn chẳng đứa nào theo nghề võ cả”- ông nói.

 

Đến một truyền thống truyền thừa độc đáo

Gia đình võ sư Phi Long Vịnh. Ảnh: C.T

Dòng họ Trương với “tứ đại đồng đường”, dòng họ Lâm ở An Thái chính là những biểu hiện khá tiêu biểu của một truyền thống truyền thừa của võ cổ truyền Việt Nam: truyền thừa theo dòng họ. Truyền thống võ Việt Nam là không phân hóa sâu thành các môn phái như võ Tàu, mà đi vào chiều sâu văn hóa làng xã, hình thành nên các làng võ hoặc truyền thừa theo dòng họ. Bởi vậy, cùng với các làng võ, các dòng họ võ ở Bình Định cũng là một biểu hiện thú vị về truyền thống miền đất Võ.

Ngoài sự truyền dạy trực tiếp, trong các dòng họ võ, vẫn lưu giữ nhiều tài liệu võ quý giá. Đây là những bí kíp mà tiền nhân ghi lại để trao truyền cho lớp cháu con. Một trong những tài liệu đó là sách võ hiện đang được dòng tộc họ Trương (thôn Phú Thiện, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ) giữ gìn. Theo ông Trương Đức Hồng, người hiện đang lưu giữ cuốn sách võ này, thì ông tổ dòng họ Trương là Trương Đức Thường người xứ Thanh Hà, tỉnh Hải Dương vào khai sơn phá thạch ở vùng núi Ngạch (nay thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) vào đầu thế kỷ thứ XVII. Sau đó, đến định cư ở thôn Phú Thiện (xã Mỹ Hòa, Phù Mỹ). “Khi ấy, cả vùng đất quanh nơi này hãy còn là chốn rừng núi. Tổ tiên chúng tôi phải luyện tập võ nghệ để đương đầu với thú dữ và những hiểm nguy nơi vùng đất mới. Tôi nghĩ, đó là lý do mà tổ tiên chúng tôi biên chép và truyền tụng những thế võ trong cuốn sách này”- ông Hồng nói. Cũng theo ông Hồng, dòng họ Trương có nhiều người học giỏi, thi đỗ cử nhân võ. Như ông Trương Đức Giai, Trương Đức Lân, Trương Trạch... đều đỗ cử nhân võ. Trong đó, ông Trương Trạch chính là thầy dạy võ cho ông Trương Thanh Đăng, sau này làm chưởng môn phái Sa Long Cương (một trong những môn phái có ảnh hưởng lớn ở Nam Bộ), còn ông Giai chính là người biên soạn tập sách võ hiện vẫn còn lưu truyền trong dòng họ Trương.

Điều đáng quý nhất là trong tập sách võ này có lời thiệu bài quyền Ngọc trản, một bài quyền hội đủ các yếu tố có tính cơ bản và là một trong những bài mang tính chính thống, tiêu biểu của võ Bình Định. Bài quyền hiện vẫn được lưu truyền và phổ biến rộng rãi trong dân gian với luyện tập công phu, tấn công toàn diện, kết hợp cương nhu, lại có những thế né tránh, phản đòn lợi hại; khi di chuyển thì linh hoạt, nhẹ nhàng, nhưng khi ra đòn thì mạnh. Với việc phát hiện ra bài thiệu, các nhà nghiên cứu mới nhận thức được tính liên hoàn âm - dương xuyên suốt cả bài quyền và chỉnh lý được những sai lầm do việc lưu truyền tam sao thất bổn trước đây. Bài thiệu quyền Ngọc trản đích thực là một viên ngọc quý trong tập sách quý của họ Trương.

Nối tiếp những truyền thống

 

Cầu nối hai làng võ An Vinh và An Thái - cũng là nơi có những dòng họ võ nổi tiếng của Bình Định. Ảnh: V.T

Cùng với các làng võ, những dòng họ võ là nơi lưu giữ những nét tinh chất của võ Bình Định. Điều đáng nói, từ trong những dòng họ ấy, tinh thần thượng võ cùng những giá trị nhân văn của võ học được người đi trước dạy người đi sau, tạo nên cái mà ngày nay chúng ta gọi là truyền thống. Ngay như bí kíp ở các dòng họ võ, theo võ sư Phi Long Vịnh, cũng chẳng có gì gọi là bí kíp. “Chiêu “phi long” chẳng hạn, nhiều võ đường khác cũng biết cả đấy, chỉ có điều họ không chuyên. Còn với người họ Trương thì đã luyện đòn này từ hồi còn để chỏm. Tuyệt kỹ hay không cũng là nhờ tập luyện bã cả người ra mà nên cả”- ông nói.

Các dòng họ võ đã góp phần bảo lưu truyền thống võ qua những thăng trầm lịch sử. Và từ hai, ba chục năm trở lại đây, khi các võ sư truyền dạy ra ngoài, võ Bình Định bắt đầu phát triển vượt ra khỏi phạm vi địa phương. Trên cả nước, có không ít địa phương có võ đường lấy tên Phi Long. Còn như môn phái Bình Định Gia đã tồn tại suốt 200 năm, trước vốn chỉ truyền trong dòng họ Trần Đại, Trần Hưng; sang đến chưởng môn đời thứ 5, cụ Trần Hưng Quang (hiện ở Hà Nội) mới bắt đầu truyền dạy ra ngoài. Đến nay, môn phái này đã có cả trăm HLV, hàng trăm võ đường trong nước cũng như ngoài nước với hơn mấy vạn lượt người luyện tập.

Tôi thường tự hào giới thiệu với bè bạn phương xa về các làng võ Bình Định như một trong những “thành trì” bảo lưu những gì tinh túy của truyền thống võ Bình Định. Nhưng rồi tiếp xúc với các dòng họ võ, tôi lại tự hào về các dòng họ võ, cái nôi trao truyền niềm say mê võ học và tinh thần thượng võ cho thế hệ cháu con.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    Lê Viết Thọ